Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

ĐI TÌM TUỔI THƠ


(Ảnh: sưu tầm)


ĐI TÌM TUỔI THƠ
Tác giả: Hàn Phong - N.V.Thiện

Tôi đi tìm tuổi thơ tôi
Rơi trong gốc rạ buổi trời bão giông
Ai đem nước đổ trắng đồng
Hồn côi ngụp lặn trong vòng nổi nênh

Tôi đi tìm tuổi thơ mình
Mười lăm năm ấy điêu linh ngút ngàn
Đêm nằm nghe tiếng thở than
Bên trời một mảnh trăng tàn buồn treo

Tôi đi tìm tuổi thơ nghèo
Có bầy đom đóm về theo giấc nồng
Côn trùng tấu khúc lưu vong
Mùa xuân xa xứ mình không kịp về

Thị thành chân bước u mê
Hồn người vương vấn tình quê thâm trầm
Giật mình, đã mấy mươi năm                                  
Tuổi thơ – một tiếng hồ cầm lặng rơi

Cảm nhận: Phạm Tuyến

Thật khó để định nghĩa được hai từ tuổi thơ một cách rõ ràng, nó có thể là một khái niệm về không gian, cũng có thể là một khái niệm thời gian, hoặc gắn liền với hình ảnh của một người, một việc… Đối với mỗi người, sống ở những nơi khác nhau, trong những điều kiện khác nhau, ở những quãng thời gian khác nhau thì tuổi thơ cũng mang những màu sắc khác nhau. Nếu để viết hoàn chỉnh về tuổi thơ có thể sẽ rất dài nhưng tác giả HP đã mượn những vần thơ lục bát, vẻn vẹn trong 4 khổ, mỗi khổ 4 câu mà tái hiện lại tuổi thơ thật nguyên vẹn và sinh động trong mắt người đọc. Một tuổi thơ đẹp mà buồn, được hiện lên qua hành trình “Đi tìm tuổi thơ”. Xuyên suốt toàn bài là dòng cảm xúc rất chân thành của người con xa quê, mang nỗi nhớ da diết về tuổi thơ gắn bó với quê hương. Tuổi thơ ấy vừa mang nét riêng của tác giả nhưng cũng vừa có nét chung để không ít người đọc thấy mình trong đó. Và chính cái riêng và cái chung hòa quyện ấy, cùng với những tình cảm rất đẹp, rất đáng quý đã xóa tan khoảng cách giữa người đọc và tác giả, đưa ta vào hành trình đi tìm tuổi thơ cùng anh.

Tôi đi tìm tuổi thơ tôi
Rơi trong gốc rạ buổi trời bão giông
Ai đem nước đổ trắng đồng
Hồn côi ngụp lặn trong vòng nổi nênh


Khổ đầu bài thơ là nơi mà tác giả đã đến để tìm lại tuổi thơ của mình. “tôi đi tìm tuổi thơ tôi” thường thì người ta sẽ chỉ tìm những gì đã bỏ quên hoặc đã đánh mất, có ai lại đang tìm những gì hiện hữu trước mắt đâu? Nhưng ở đây có thật là TG đã bỏ quên hoặc đánh mất tuổi thơ không? Hai từ “đi tìm” được sử dụng rất hay và ý nghĩa, nó xuyên suốt nội dung của cả bài thơ và sẽ lại được nhắc tới trong những khổ sau.
Nếu coi tuổi thơ là thời gian thì đúng là nó đã trôi qua, đã không còn nữa nên mới phải “đi tìm”, nhưng thời gian là thứ không thể lấy lại được, …vậy làm thế nào để tìm được tuổi thơ? TG đã không đặt hành trình đi tìm tuổi thơ trong hệ quy chiếu thời gian, mà đặt tuổi thơ ấy trong không gian cụ thể, có những hình ảnh cụ thể, tái hiện nó một cách sống động nhất:“rơi trong gốc rạ buổi trời bão giông”. Câu thơ như một lời giải thích rất khéo léo. Không phải là quên, là đánh mất mà là “rơi”, “trong buổi trời bão giông”. Nếu quên, hoặc đánh mất là do lỗi chủ quan, thì rơi lại là một hành động vô thức, đã có ảnh hưởng của thực tại khách quan là “trời bão giông”, vậy lỗi không hoàn toàn do tác giả nữa, có lẽ đây là cách để TG phần nào tự an ủi và giải thích cho mình. “Gốc rạ” là hình ảnh đầu tiên hiện lên trong dòng kí ức, đó là gốc rạ trong một cánh đồng trắng nước sau giông bão. Tuổi thơ của TG đã gắn bó với nơi có những cánh đồng như vậy. Như người ta thường nghe, hoặc thường nghĩ về cánh đồng thì nó sẽ là những hình ảnh khác, đẹp, thơ mộng “mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, “cánh cò bay lả dập dờn”… nhưng trong kí ức của anh HP thì khác…một cảnh thực, giữa đời thực, vì nó là “tuổi thơ tôi”, từ “tôi” đã nói lên cái riêng, cái khác biệt ngay từ đầu, và những câu sau để minh chứng cho điều đó. Tác giả tự hỏi, một câu hỏi tu từ: “ai đem nước đổ trắng đồng” câu thơ như là lời than, cũng như tiếng trách, than trách cho cái cảnh “nước trắng đồng” để rồi đây người dân sẽ trồng cấy ra sao, mùa màng sẽ thế nào…hẳn trong quãng thời gian tuổi thơ, đây chính là những điều mà TG từng trải qua, từng lo lắng để đối mặt, nên khi nhớ lại vẫn còn nguyên vẹn đến từng cảm xúc… để lúc này “hồn côi ngụp lặn trong vòng nổi nênh” ngụp lặn là một hình ảnh tưởng tượng khi đối mặt với cái mênh mông của cánh đồng trắng nước, cũng là ngụp lặn trong dòng sông hồi ức, khi những kí ức ùa về bất chợt, nó choáng ngợp lấy khoảnh khắc hiện tại, và miền kí ức cũng mênh mông vô định như cánh đồng trắng nước kia…

Tôi đi tìm tuổi thơ mình
Mười lăm năm ấy điêu linh ngút ngàn
Đêm nằm nghe tiếng thở than
Bên trời một mảnh trăng tàn buồn treo


Vẫn trên chuyến hành trình đi tìm tuổi thơ, một tuổi thơ đẹp nhưng đượm buồn…và ở khổ thứ 2 đã xuất hiện ý thức về thời gian. Đó là một quãng thời gian cụ thể “15 năm ấy”. Ở đây mọi thứ dường như hiện hữu trong trí nhớ của tác giả đều rất rõ ràng cả không gian và thời gian, hay có thể khẳng định TG chưa hề quên những gì của tuôỉ thơ, nhưng tại sao anh vẫn “đi tìm”, từ “đi tìm” lại xuất hiện như một ẩn số trong phần vượt chướng ngại vật mà người đọc chưa đủ dữ liệu để xử lý khi mới đọc sang khổ 2. “15 năm” là thời gian thực nhưng lại mang chiều dài tâm trạng. Vì nó đã được nhìn qua lăng kính của cảm xúc cá nhân nên dài hay ngắn mang tính tương đối, với ta có thể chưa đủ dài,còn với TG đã là “điêu linh ngút ngàn”. Nhất là thời điểm để nhìn lại quãng thời gian ấy là “đêm” thì điều đó càng dễ hiểu. Đêm là lúc mọi vật chìm trong giấc ngủ, là lúc bóng tối bao trùm, con người trở nên nhỏ bé, và dễ cô đơn nhất. Có lẽ lúc này TG đang nhớ đến những kí ức mà trằn trọc không ngủ được, rồi cũng vì không ngủ được mà nhớ càng da diết. Câu thơ như tiếng thở dài trong đêm, là bầu tâm sự muốn trút mà không có ai để giãi bày, chỉ còn “bên trời một mảnh trăng tàn buồn treo”. Người và cảnh vừa đối lập lại vừa rất tương đồng. Đối lập giữa cái mênh mông, rộng lớn của trời đêm với cái nhỏ bé, lạc lõng của con người, nó càng làm cho người ta bị nỗi cô đơn, nỗi nhớ dằn vặt ghê gớm hơn. Còn tương đồng ở chỗ, trăng và người có thể gọi là cặp đôi cùng hoàn cảnh  vì trăng thì “tàn buồn treo” còn người cũng trong tâm trạng tương tự… cái tương tư trong lòng nó đã lan tràn sang bức tranh cảnh vật xung quanh, và đúng như trong 2 câu Kiều “cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu-người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong cái nỗi buồn nỗi nhớ thì trăng cũng tàn, cũng buồn…trăng vốn là biểu tượng của cái đẹp, trăng trong thơ ca từ cổ chí kim luôn là người bạn tri kỉ của thi nhân. Và đêm chất chứa tâm trạng này trăng đã xuất hiện để bầu bạn với TG Hàn Phong.

Tôi đi tìm tuổi thơ nghèo
Có bầy đom đóm về theo giấc nồng
Côn trùng tấu khúc lưu vong
Mùa xuân xa xứ mình không kịp về


Nếu ở khổ 2 kí ức hiện lên khi thức thì sang khổ 3 nó còn ùa về cả trong những “giấc nồng”, và chưa lúc nào TG quên được:
Tuổi thơ lại hiện lên nguyên vẹn không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng cả âm thanh. Có ánh sáng của những bầy đom đóm, có tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm, và âm thanh ấy nó hòa với tiếng lòng của người con xa quê trở thành khúc lưu vong – khúc nhạc viễn xứ… ở một nơi của miền kí ức, có tuổi thơ đốt đuốc, bắt đom đóm, mà có lần đã nghe anh HP kể, những kí ức in quá sâu trong tâm trí TG mà mỗi lần nhớ đến anh lại thấy “buồn chi lạ”, có lẽ “tuổi thơ nghèo”, những cơn “giông bão”, cảnh “nước trắng đồng” rồi cả hoàn cảnh “mùa xuân xa xứ không kịp về” đã khiến nỗi buồn trào dâng…nhớ tuổi thơ hay cũng là nhớ quê hương, đó cũng chính là cảm xúc luôn thường trực trong anh, dù thời gian trôi đi, nó vẫn không hề thay đổi, giữa cái cuộc sống tấp nập, hối hả thì ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn, có những thứ vẫn luôn được cất giữ nguyên vẹn, được trân trọng, nâng niu…đó chính là tuổi thơ…

Thị thành chân bước u mê
Hồn người vương vấn tình quê thâm trầm
Giật mình, đã mấy mươi năm
Tuổi thơ – một tiếng hồ cầm lặng rơi…


Trong những dòng thơ của khổ cuối cùng, tác giả đã trở về. đối mặt với thực tại “ thị thành chân bước u mê – hồn người vương vấn tình quê âm thầm”. Đến lúc này thì ta đã hiểu vì sao TG lại “đi tìm” tuổi thơ, vì thứ TG muốn tìm không chỉ là hình ảnh, là thời gian gắn bó với quê nhà mà thứ thực sự muốn đi tìm chính là”chút tình quê thâm trầm”, là thứ mà ở quê hương, ở những năm tháng tuổi thơ bé bỏng,TG được đón nhận. Dù có nghèo, có khó  khăn về vật chất thì ở nơi ấy  vẫn luôn dào dạt và đầy ắp tình người, đó mới là những điều làm cho TG luôn vấn vương, muốn níu giữ và tìm kiếm. Cũng ở những dòng thơ này, ta đã thấy rõ hoàn cảnh của TG đó là giữa chốn thị thành, một nơi đông vui, tấp nập nhưng cũng là nơi TG đã bước những bước “u mê”, u mê vì thiếu những tình cảm chân thành, ấm áp, “thâm trầm”  những con người quê hương luôn sẵn sàng trao cho nhau mà giữa chốn thị thành này, TG thật khó để tìm được…rồi từ cái u mê ấy, TG đã giật mình, “mấy mươi năm”, tuổi thơ hiện hữu, nó ùa về, đánh thức TG… tuổi thơ được hình tượng hóa thành “tiếng hồ cầm” một âm thanh trầm, lắng đọng phù hợp với dòng cảm xúc đẹp và đượm buồn xuyên suốt toàn bài…âm thanh ấy được cụ thể thành giọt, lặng rơi, khuấy động một cõi u mê, nó mang đến sức mạnh để người ta phải giật mình bừng tỉnh, lặng rơi thôi nhưng đủ sức lay chuyển một tâm hồn, câu thơ không chỉ tinh tế trong cảm xúc, mà còn rất thành công trong bút pháp bởi sức gợi của nó khi TG hình ảnh hóa âm thanh và mượn âm thanh ấy để chuyên chở cảm xúc nội tại…ngòi bút đã biến hóa vô cùng linh hoạt, nó sống động, uyển chuyển để người đọc như mặt hồ tĩnh lặng, cũng bị sóng âm cảm xúc ấy khuấy động, nhẹ nhàng mà sâu sắc…

Khép lại bài thơ, dư âm vẫn còn vương vấn mãi, cảnh ngộ của tác giả và của người đọc hòa làm một, trong cái tuổi thơ rất “tôi” ấy chính ta lại gặp được bản thân mình. Bài thơ là tiếng lòng của người con xa quê, da diết nhớ về quê hương. Chính những cảm xúc rất chân thành, mộc mạc và vô cùng đáng quý, nó đã chạm tới sâu thắm tâm hồn người đọc để ta đồng cảm, trân trọng và thêm yêu quý tác giả Hàn Phong. Khi đọc được những dòng thơ này, hẳn, không ít người sẽ “giật mình, đã mấy mươi năm” vì ở nơi nào đó, một lúc nào đó, và ai đó cũng đã từng lãng quên những kí ức thật đẹp… giống như tác giả Hàn Phong vậy…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Liên Hệ

Tên

Email *

Thông báo *