THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT
Tác giả: Hàn Phong
Em đốt lên trong mắt buồn chiều hạ
Màu chia ly nhuộm đỏ dưới khung trời
Dòng sông ấy giờ đành chia đôi ngả
Bước anh về trong nắng quái chơi vơi
Đường bên ấy vẫn vàng hoa, em nhỉ
Nắng vẫn hồng như thuở mới yêu nhau
Nhưng đáy mắt còn vương dòng dư lệ
Của tình yêu năm tháng đã phai màu
Anh vẫn đứng trên bến chiều mưa tạt
Nghe sóng buồn vỗ mãi phía bờ xa
Tình yêu ấy anh vùi sâu vào lòng cát
Chợt bàng hoàng khi em bước chân qua
Giờ còn lại là bóng đêm miên viễn
Một tinh cầu chết lặng những vòng quay
Bóng tối ấy bỗng choàng lên tất cả
Chút hơi tàn anh không kịp trở tay
Giờ còn lại mảnh linh hồn hóa thạch
Đã chìm sâu dưới mấy lớp địa tầng
Bao tiếng gọi của dòng đời nhộn nhịp
Cũng không làm anh thoáng chút bâng khuâng
Giờ còn lại tháng năm dài mòn mỏi
Một trái tim hằn những vết đau thương
Người khuất dạng cho tình xưa hấp hối
Dưới chân anh sụp đổ một thiên đường.
Cảm nhận: Phạm Tuyến
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do - phù hợp với dòng cảm xúc được
diễn tả trong bài, với nhiều cung bậc, đa dạng về không gian và thời
gian. Người con trai, chủ thể trữ tình đã được tái hiện trong rất nhiều
khung cảnh, tại nhiều thời điểm khác nhau nhưng có một điểm chung là chỉ
một mình, một mình gặm nhấm nỗi cô đơn. Hình ảnh của “em” người con
gái, chỉ hiện lên trong nỗi nhớ. Chàng trai đã từng nuôi dưỡng hi vọng,
và rồi hi vọng ấy cứ mỗi ngày lại tắt dần. Ban đầu là nỗi nhớ choán lấy
tâm hồn nhưng rồi sau đó là sự bế tắc, tuyệt vọng.
Đó là một dòng
cảm xúc rất logic nhưng lại ẩn chứa một diễn biến nội tâm khá phức tạp
của nhân vật trữ tình mà chính người đọc khi mới lướt qua cũng như chìm
trong vô định. Nhưng chính sự phức tạp của nội tâm đó lại gây ra một sức
cuốn hút lạ kì, dù bản thân ta chưa trải qua nhưng ta vẫn tò mò, vẫn
thắc mắc, ta muốn làm rõ, nên khi đã đọc một lần rồi thì không thể không
đọc lại lần hai.
Ba khổ đầu chan chứa nỗi nhớ về những kỉ niệm xưa cũ của chàng trai với cô gái.
“Em đốt lên trong mắt buồn chiều hạ
Màu chia ly nhuộm đỏ dưới khung trời
Dòng sông ấy giờ đành chia đôi ngả
Bước anh về trong nắng quái chơi vơi”
Khổ đầu tiên, 2 nhân vật trữ tình tuy cùng một không gian, nhưng hai
con tim lại không chung nhịp đập như những cặp tình nhân khác, hai người
quay lưng lại với nhau, đường tình chia đôi ngả. Đó là một chiều mùa
hạ, buổi chiều vốn là khoảng khắc rất đẹp, rất lãng mạn, nhưng cũng rất
buồn, đó là thời gian một ngày sẽ kết thúc và đêm dài buông xuống, khi
những ánh sáng cuối cùng của ngày dài chuẩn bị tắt lịm nhường chỗ cho
bóng tối. Thời gian hay cuộc tình cả hai dường như đang cùng diễn biến
theo cái cách chung của chúng. Tuy hai mà một hòa quyện vào nhau, để rồi
màu đỏ của ánh chiều đã thành màu chia ly từ lúc nào mà ta không hề hay
biết. Nó phủ kín một khung trời, mà nguyên cớ sâu xa lại chính là em
“em đốt lên trong mắt buồn chiều hạ”. (Không hiêu sao PT lại liên tưởng
đến những cánh thư tình bấy lâu nay bị đốt thành tro bụi) Dòng sông ấy
giờ đành chia đôi ngả. Dòng sông ấy có lẽ không phải là dòng sông thực,
mà chính là dòng sông kỉ niệm, dòng sông hồi ức. Anh bước về mà nắng
chiều rực rỡ đã thành nắng “quái chơi vơi”, cái nắng cũng trớ trêu, cũng
éo le như cuộc tình của hai người vậy.
“Đường bên ấy vẫn vàng hoa, em nhỉ
Nắng vẫn hồng như thuở mới yêu nhau
Nhưng đáy mắt còn vương dòng dư lệ
Của tình yêu năm tháng đã phai màu”
Khổ thơ là sự đối lập giữa sự tươi màu của vạn vật vớ sự phai nhòa của
tình yêu. Vẫn là hoa vàng (hoa bí vàng hay con bướm vàng sao thường nhớ
mênh mang – màu hoa bí), vẫn có nắng hồng, thực tại vẫn tồn tại khách
quan tươi đẹp còn tình yêu đã thay đổi. “Dòng dư lệ” là một cụm từ gợi
nhiều trường suy nghĩ, nước mắt của buổi chia tay vẫn còn sót lại, hay
chàng trai vẫn chưa nỡ để quên đi. Không phải là “suối khô dòng lệ chờ
mong tháng ngày” như trong câu thơ của Tản Đà mà là một dòng lệ vẫn
thường trực trong đáy mắt, nó sẵn sàng rơi bất cứ lúc nào mà người ta
khó lòng ghìm nén lại được. Nó cũng không phải lệ của một cuộc tình
khác, mà vẫn là dòng dư lệ của chuyện tình năm xưa.
“Anh vẫn đứng trên bến chiều mưa tạt
Nghe sóng buồn vỗ mãi phía bờ xa
Tình yêu ấy anh vùi sâu vào lòng cát
Chợt bàng hoàng khi em bước chân qua”
Khổ 3 là một tình yêu mà anh đã đơn phương dành cho cô gái anh xuất
hiện tại khung cảnh có bến đỗ, người con gái trong thơ ca thường hay
được ví là bến, là bờ, còn chàng trai là thuyền, là biển nhưng giờ đây
thì khác, “em” đã không còn là bến đỗ của chàng trai ấy nữa, những giọi
mưa vô tình mà lòng người thì hữu ý. Anh muốn chôn vùi tình yêu đơn
phương vô vọng của mình, nhưng lại chỉ là chôn vào lòng cát, nó như
khẳng định anh vẫn le lói một hi vọng nhỏ nhoi, vì chỉ cần một đợt sóng
qua, cát lại bị phủi đi, tình yêu lại hiện ra nguyên y như cũ. Nhưng hi
vọng ấy đã thực sự chấm dứt hoàn toàn khi em “bước chân qua” làm anh
phải “bàng hoàng”, thử hỏi nếu anh chịu chấp nhận từ buổi chia tay thì
giờ có còn bàng hoàng như vậy, hay anh vẫn ấp ủ, vẫn hi vọng, vẫn đợi
chờ… nhưng cơ hội đâu có mỉm cười với anh… “nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
- Hồ Xuân Hương”
Ba khổ còn lại thì hi vọng đã hoàn toàn dập tắt,
tác giả đã cố tình điệp lại cấu trúc “giờ còn lại…” có lẽ đối với anh cô
gái là tất cả, sự ra đi của cô gái đồng nghĩa với việc anh đã mất đi
tất cả, những gì mà anh còn lại chỉ là “bóng đêm”, “là linh hồn hóa
thạch”, là “những tháng năm dài mòn mỏi”. Những điều buồn tẻ, cằn cỗi,
nhạt nhẽo nhất mà anh sẽ phải trải qua.
“Giờ còn lại là bóng đêm miên viễn
Một tinh cầu chết lặng những vòng quay
Bóng tối ấy bỗng choàng lên tất cả
Chút hơi tàn anh không kịp trở tay”
Đọc đến khổ thứ tư mà lòng trào thương cảm, nó là sự tiếp nối ý của khổ
3 khi những hi vọng dập tắt thì tuyệt vọng sẽ thế chỗ vào đó, cũng là
sự nối tiếp ý của khổ đầu, khi hết chiều là bóng tối bao trùm. Anh chàng
vốn là một đấng nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất, ấy thế mà cũng
không đủ sức chống lại nỗi cô đơn, nỗi đau khổ cắn xé trong lòng, có lẽ
vết thương trong tim quá lớn, nó làm anh cạn kiệt sức sống. Để trong mắt
anh là bóng đêm, là tinh cầu chết lặng, là bóng tối trùm lên tất cả,
những hình ảnh gợi lên cái lạnh lẽo, cái tốt tăm, mù mịt của cảnh, của
trời cũng là của lòng người, “chút hơi tàn anh không kịp trở tay” lòng
bỗng xót xa thay cho nhân vật của mình, anh đã tổn thương quá nặng, quá
sâu, mà chỉ còn chút “hơi tàn”, anh muốn vén cái màn đêm đang trùm phủ
kia để đón nhận một chút ánh sáng, để được tiếp thêm một chút sức lực dù
là nhỏ nhất nhưng không thể…
“Giờ còn lại mảnh linh hồn hóa thạch
Đã chìm sâu dưới mấy lớp địa tầng
Bao tiếng gọi của dòng đời nhộn nhịp
Cũng không làm anh thoáng chút bâng khuâng”
Những nỗi đau ấy đã làm con tim chai sạn, “mảnh tâm hồn hóa thạnh”,
“chìm sâu dưới mấy lớp địa tầng” đối lập với ý thơ ở khổ 3 “tình yêu ấy
anh vùi sâu trong cát”. Nếu cát bụi dễ dàng bị sóng cuốn đi thì mấy lớp
địa tầng là điều không thể. Lần này anh đã rất kiên quyết, không còn
kiệt sức như trước nữa để “ bao tiếng gọi của lòng người nhộn nhịp,
cũng không làm anh thoáng chút bâng khuâng” anh đã không còn xao xuyến,
không còn bâng khuâng. Phải chăng anh đang dần trở thành “một nam thần
băng giá”, hay anh đang cố dằn lòng phải mạnh mẽ, phải cứng cỏi hơn nữa…
“Giờ còn lại tháng năm dài mòn mỏi
Một trái tim hằn những vết đau thương
Người khuất dạng cho tình xưa hấp hối
Dưới chân anh sụp đổ một thiên đường.”
Khổ thơ thứ 6 là một bước ngoặt về cảm xúc làm người đọc lại bàng
hoàng, những tưởng anh đã quên đi, đã chôn vùi thực sự, nhưng không
phải, vết thương ấy vẫn dai dẳng nó vẫn bám lấy anh mỗi năm tháng mòn
mỏi. Tình yêu càng sâu sắc, càng to lớn bao nhiêu thì tổn thương lại
càng khó mà liền được, nó hằn lên trái tim tưởng rằng đã đóng băng kia
của chàng trai… tình yêu nếu đã chôn vùi dưới mấy lớp địa tầng thì nó đã
chết thực sự, nào có thể hấp hối được nữa? Nhưng chưa một giây phút nào
tình yêu ấy ngừng nhịp thở để giờ đây nó vẫn còn…hấp hối. Cái kết cho
khổ thơ, cũng là kết thúc cho chuyện tình của anh: “dưới chân anh sụp đổ
một thiên đường” thiên đường nơi có anh và có cô gái, nơi chỉ có tình
yêu, chỉ có tiếng cười, chỉ có hạnh phúc, nó đã sụp đổ khi bóng em
“khuất dạng”, câu thơ cuối cũng được lấy làm ý của nhan đề bài thơ.
Thiên đường chưa một lúc nào xuất hiện trong toàn bài, vậy mà đến cuối
cùng nó lại sụp đổ, đủ để hiểu được những hi vọng, những khát khao những
, mơ ước mà anh đã vun đắp vẫn âm thầm được gìn giữ, được anh nâng niu
trân trọng. Nó lại khiến ta nhớ đến lời bài hát: “nhật thực che phủ
tương lai cuộc đời cả trời âm u –nhật thực”. Cả nhật thực che phủ và
thiên đường sụp đổ có lẽ đều mang lại bóng tối, u ám nhưng nhật thực chỉ
là trong những giây phút ngắn ngủi, còn đối với chủ thể trữ tình thiên
đương sập xuống rồi…sẽ là mãi mãi…
Tác giả Hàn Phong đã đưa ống kính
máy quay đến những góc sâu thẳm của tâm hồn nhân vật, cũng không ngần
ngại đặt nhân vật của mình vào sự đa dạng của cảnh quay để người đọc
được trải nghiệm những giây phút cắt lòng cùng chủ thể trữ tình. Vẫn là
một chuyện tình dang dở, cũng vẫn là tình yêu sâu sắc chân thành của một
anh chàng, nhưng lại để cho bạn đọc thấy thật mới mẻ, thật cuốn hút.
…Để khi đọc xong bài thơ, bản thân PT lại muốn nói một điều gì đó, muốn diễn tả một cảm xúc nào đó… như đã cảm nhận trên đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét